Trang

Bài viết Blog

  • Bài viết Blog

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

VÌ SAO BỤT NHÀ ... KHÔNG THIÊNG

          Bụt nhà không thiêng là một câu nói cửa miệng từ xa xưa bao gồm nhiều ý nghĩa thú vị. Bụt nhà không thiêng bao hàm rất rõ có 2 ý muốn nói: Một là, năng lực của bụt ở nhà không bằng năng lực của bụt ở nơi khác nên khi có một công việc gì đó cần thực hiện thì người chủ nhà phải đi rước bụt nơi khác về mới đủ sức để thực hiện được. Hai là, người chủ nhà là người có xu hướng cổ suý đồ ngoại, ưa khoe mã, lên mặt với người xung quanh nên cứ phải đi rước bụt ngoài, mặc dù bản thân chủ nhà cũng biết rằng công việc đó không nhất thiết phải đi rước bụt ngoài cho tốn kém, nhưng phải đi rước để còn lấy oai với người xung quanh. Còn có một hàm ý khác thú vị hơn đối với việc đi rước bụt ngoài là người chủ nhà chẳng biết gì về khả năng thực sự của bụt nhà hay bụt người. Đôi khi còn đi rước những “ông bụt giấy” của người khác về cung phụng, trong khi tài năng của bụt nhà lại không được phát huy. Tất nhiên câu chuyện bụt nhà hay bụt nơi khác cũng chỉ là cách ví von thâm thuý của cha ông ta về việc dùng người trong tay của mình, càng suy ngẫm càng thấy nó chí lý và cần thiết với lối sử dụng con người thời hiện đại ngày nay.
          Một nguyên tắc tối thượng khi dùng người là phải có đủ cơ sở tin tưởng người đó làm tốt công việc mà mình mong muốn. Như vậy vấn đề quay trở lại cách đánh giá thế nào cho đúng năng lực thực sự của người mà mình sẽ dự tính dùng vào công việc đặt ra. Sử dụng bụt ngoài cũng có cái lợi của nó khi rước đúng bụt thật sự thiêng và có tâm nhưng cũng có khi là tai hại rất lớn, nhất là khi giao quyền sinh sát trong tay của bụt ngoài thì có thể hiến dâng sự nghiệp của mình cho người khác thao túng. Trong thực tế, không ít người đã bỏ một số lượng lớn kinh phí để thuê chuyên gia theo lời đồn đại từ bên ngoài rồi rước về một tay bất tài vô tướng, chuyên lừa đảo người khác bằng cái mã bề ngoài, cái mác giả tạo để rồi sự nghiệp tiêu tan không đường cứu chữa. Cũng không ít người bỏ tiền đi rước bụt ngoài về, để cho bụt ngoài và bụt trong nhà móc nối nhau theo hình thức đôi bên cùng có lợi. Nói như vậy để thấy rằng câu chuyện này cũng phải quay về khả năng và trình độ thực thụ của vị chủ nhà - những người có quyền quyết định sử dụng bụt nhà hay bụt bên ngoài cho công việc của mình theo yêu cầu. Có điều chắc chắn khi tài năng không được trọng dụng, không tạo ra mảnh đất tốt để nó sinh sôi nẩy nở thì hoặc là sẽ bị thui chột mãi mãi, hoặc là sẽ có mảnh đất khác để nó phát triển, khi đó cái giá của mình trả sẽ cao hơn nhiều.
           Bụt nhà không thiêng, suy nghĩ đó đã giết đi những tài năng thật sự trong tay nhiều ông chủ để rồi nhận lấy cái kết cục thật cay đắng cho cả hai phía. Muốn cho quyết định của mình là sáng suốt, hiệu quả, không có con đường nào khác những ông chủ phải tự nâng cao cái tầm và cái tâm của bản thân. Cái tầm để nhìn thấu đáo năng lực thực thụ của từng con người để mà so sánh, còn cái tâm để xử sự cho đúng các mối quan hệ bên trong, bên ngoài bởi lẻ khi bụt nhà không thiêng thì tồn tại của bụt đó không còn giá trị nữa. Những người trong tay ta, sống cùng ta bị ta biến thành kẻ không có giá trị thì làm ông chủ để làm gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét