Trang

Bài viết Blog

  • Bài viết Blog

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

ĐIỀU LỰA CHỌN …. KHÔNG ĐƠN GIẢN


Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi con người đều phải va chạm với rất nhiều mối quan hệ: người thân, bạn bè, đồng nghiệp,… mỗi mối quan hệ ấy đều ẩn chứa trong mình nhiều yếu tố, nhưng chung quy lại chỉ là hai nhóm chủ yếu: nhóm gây bất lợi cho ta và nhóm có lợi cho ta.
Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta ứng xử như thế nào đối với các nhóm quan hệ ấy. Trong thực tế đã có rất nhiều cách ứng xử khác nhau từ cổ chí kim để mỗi người có thể tham khảo, vận dụng vào việc giải quyết các vấn đề của mình, cũng có người giải quyết theo cảm nhận riêng nhưng cuối cùng cũng hướng đến: cách lựa chọn của mình là đúng và hiệu quả nhất (theo suy nghĩ của cá nhân mình). Cũng chính vì lẻ đó, vấn đề lại đặt ra tiếp theo là: liệu rằng cách  ta chọn có thật sự lợi cho ta chưa, ảnh hưởng đến người khác như thế nào (dư luận đánh giá về ta thế nào)? Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, cách giải quyết của ta có phá làm thiên lệch các mối quan hệ vốn có hay không? Đây cũng là câu hỏi đặt ra mà bản thân tôi đã trăn trở, suy nghĩ nhưng vẫn chưa thể tìm ra được cho mình câu trả lời thật sự có tính thuyết phục cao cả trong lý luận cũng như thực tế.
Chỉ lấy một ví dụ thực tế trong cuộc sống: Một người có hành vi lừa đảo, lợi dụng bạn để trục lợi, hay một kẻ cơ hội sống ngay bên bản thân bạn, bạn đã nhiều lần tỏ thái độ không bằng lòng, hoặc đã nói thẳng nhưng rồi chứng nào vẫn tật nấy. Bây giờ bạn sẽ xử sự như thế nào? Có nên quan hệ vẫn thâm tình với người ấy nữa để cho thấy mình là một kẻ cao thương? Hay không cần quan hệ và luôn dè dặt, đề phòng từng hành vi, cử chỉ của người ấy đối với bạn? Về mặt lý thuyết thì không ai không muốn mình là kẻ cao thương cả, nhưng trên thực tế thì mấy ai đạt đến được kẻ cao thượng trong khi còn nhiều mối quan hệ đang xen khác lôi kéo. Nên chọn cách giải quyết như thế nào để trọn vẹn đôi đường tôi nghĩ không phải là chuyện đơn giản.
Điều không đơn giản ấy bắt nguồn từ nguyên nhân cái tôi rất lớn của một con người. Nếu người đó biết hạn chế được cái tôi của mình thì sẽ sửa ngay những tồn tại, khiếm khuyết bản thân đã được góp ý. Nhưng vì cái tôi quá lớn nên người ấy cố theo đuổi và quyết đạt cho được bằng mọi giá nên  đạp bằng tất cả các vấn đề xung quanh. Bản thân cá nhân mình cũng vậy, nhiều khi không muốn sống dối lòng nên cũng không thể sống trong cảnh: “Cùng trong một tiếng tơ đồng, người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”. Đắn đo là vậy nhưng cuộc sống luôn đặt mình vào tình thế phải đưa ra quyết định nhanh với mọi sự việc, không được phép chần chừ. Ví dụ, khi gặp người như vậy bạn phải có thái độ gì, hòa đồng hay cẩn thận dè chừng? Nếu hòa đồng thì chưa thật với lòng mình, còn dè chừng thì mối quan hệ rõ ràng ngày càng xấu đi.
Bản thân tôi cũng đang lâm vào tình trạng này nhưng vẫn chưa có được quyết định thỏa đáng nhất. Lâu nay tôi vẫn cứ lúc này, lúc nọ nhưng chọn cách gì rồi cũng thấy không thật sự ổn ngay cả với bản thân mình.
Nếu cộng đồng IT đã đọc bài viết này xin tham gia ý kiến!

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

VÌ SAO BỤT NHÀ ... KHÔNG THIÊNG

          Bụt nhà không thiêng là một câu nói cửa miệng từ xa xưa bao gồm nhiều ý nghĩa thú vị. Bụt nhà không thiêng bao hàm rất rõ có 2 ý muốn nói: Một là, năng lực của bụt ở nhà không bằng năng lực của bụt ở nơi khác nên khi có một công việc gì đó cần thực hiện thì người chủ nhà phải đi rước bụt nơi khác về mới đủ sức để thực hiện được. Hai là, người chủ nhà là người có xu hướng cổ suý đồ ngoại, ưa khoe mã, lên mặt với người xung quanh nên cứ phải đi rước bụt ngoài, mặc dù bản thân chủ nhà cũng biết rằng công việc đó không nhất thiết phải đi rước bụt ngoài cho tốn kém, nhưng phải đi rước để còn lấy oai với người xung quanh. Còn có một hàm ý khác thú vị hơn đối với việc đi rước bụt ngoài là người chủ nhà chẳng biết gì về khả năng thực sự của bụt nhà hay bụt người. Đôi khi còn đi rước những “ông bụt giấy” của người khác về cung phụng, trong khi tài năng của bụt nhà lại không được phát huy. Tất nhiên câu chuyện bụt nhà hay bụt nơi khác cũng chỉ là cách ví von thâm thuý của cha ông ta về việc dùng người trong tay của mình, càng suy ngẫm càng thấy nó chí lý và cần thiết với lối sử dụng con người thời hiện đại ngày nay.
          Một nguyên tắc tối thượng khi dùng người là phải có đủ cơ sở tin tưởng người đó làm tốt công việc mà mình mong muốn. Như vậy vấn đề quay trở lại cách đánh giá thế nào cho đúng năng lực thực sự của người mà mình sẽ dự tính dùng vào công việc đặt ra. Sử dụng bụt ngoài cũng có cái lợi của nó khi rước đúng bụt thật sự thiêng và có tâm nhưng cũng có khi là tai hại rất lớn, nhất là khi giao quyền sinh sát trong tay của bụt ngoài thì có thể hiến dâng sự nghiệp của mình cho người khác thao túng. Trong thực tế, không ít người đã bỏ một số lượng lớn kinh phí để thuê chuyên gia theo lời đồn đại từ bên ngoài rồi rước về một tay bất tài vô tướng, chuyên lừa đảo người khác bằng cái mã bề ngoài, cái mác giả tạo để rồi sự nghiệp tiêu tan không đường cứu chữa. Cũng không ít người bỏ tiền đi rước bụt ngoài về, để cho bụt ngoài và bụt trong nhà móc nối nhau theo hình thức đôi bên cùng có lợi. Nói như vậy để thấy rằng câu chuyện này cũng phải quay về khả năng và trình độ thực thụ của vị chủ nhà - những người có quyền quyết định sử dụng bụt nhà hay bụt bên ngoài cho công việc của mình theo yêu cầu. Có điều chắc chắn khi tài năng không được trọng dụng, không tạo ra mảnh đất tốt để nó sinh sôi nẩy nở thì hoặc là sẽ bị thui chột mãi mãi, hoặc là sẽ có mảnh đất khác để nó phát triển, khi đó cái giá của mình trả sẽ cao hơn nhiều.
           Bụt nhà không thiêng, suy nghĩ đó đã giết đi những tài năng thật sự trong tay nhiều ông chủ để rồi nhận lấy cái kết cục thật cay đắng cho cả hai phía. Muốn cho quyết định của mình là sáng suốt, hiệu quả, không có con đường nào khác những ông chủ phải tự nâng cao cái tầm và cái tâm của bản thân. Cái tầm để nhìn thấu đáo năng lực thực thụ của từng con người để mà so sánh, còn cái tâm để xử sự cho đúng các mối quan hệ bên trong, bên ngoài bởi lẻ khi bụt nhà không thiêng thì tồn tại của bụt đó không còn giá trị nữa. Những người trong tay ta, sống cùng ta bị ta biến thành kẻ không có giá trị thì làm ông chủ để làm gì?

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

NGƯỜI PHỤ NỮ GANG THÉP

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã sản sinh ra rất nhiều tấm gương của những người phụ nữ anh hùng trong chiến đấu, mưu trí gan dạ trong đấu tranh chính trị với kẻ thù, nghĩa tình, sắc son với đồng chí, đồng đội và bà con lối xóm. Nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Chín (1948) tại thôn Lệ Sơn, xã Duy Nghĩa là một người như thế! Bà con trong xã Duy Nghĩa gắn cho chị một biệt danh để biểu thị lòng ngưỡng mộ “Người phụ nữ gang thép”.
Chị Nguyễn Thị Chín sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo nhưng có truyền thống cách mạng. Cả cha, mẹ và 5 anh em ruột trong gia đình đều hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc. Với sự dạy bảo của cha, mẹ và các anh trong gia đình, thêm vào đó là những tội ác của kẻ thù đối với bà con nhân dân diễn ra hàng ngày mà chị trực tiếp chứng kiến đã hun đúc lòng căm thù giặc sâu sắc trong chị. Ý chí phải chiến đấu để tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ sự bình yên cho quê hương luôn thôi thúc và trổi dậy. Năm 1964, khi cô thôn nữ Nguyễn Thị Chín vừa tròn 16 tuổi đã xin cha, mẹ cùng các anh cho gia nhập lực lượng du kích xã để thực hiện khát vọng của mình, được cầm súng bắn vào những kẻ đã gây nên cảnh tang tóc, đau thương cho bà con nhân dân trong thôn, trong xã nói riêng, cả huyện, cả tỉnh, cả nước nói chung.
Là một thành viên mới được gia nhập vào lực lượng du kích xã nhưng đồng chí Nguyễn Thị Chín đã sớm thể hiện được bản lĩnh kiên cường, mưu trí và dũng cảm của người du kích vùng địch chiếm. Chỉ trong một trận đánh vào cơ quan Hội đồng xã Xuyên Thọ ngày 20/9/1964 với vũ khí chủ yếu là “súng bẹ dừa” và “lựu đạn đất sét”, du kích xã cũng đã đánh tan trung đội thanh niên chiến đấu đang bảo vệ với đầy đủ súng đạn trong tay. Riêng với đồng chí Nguyễn Thị Chín, với sự mưu trí và gan dạ của mình đã được lãnh đạo và anh em trong đội du kích đề cử vào chức vụ tiểu đội trưởng. Trong cơn lụt lịch sử tháng 11/1964, địch đã tiến hành càn quét, lấn chiến vùng giải phóng của ta ở xã Xuyên Thọ. Đồng chí Nguyễn Thị Chín cùng với tiểu đội du kích đã kiên cường trụ bám với dân, kiên quyết chiến đấu và bẻ gãy cuộc càn của địch. Kết thúc trận chiến, tiểu đội đã diệt được 8 tên địch, thu được 4 súng Garant M2.
Trong thời kỳ đầu của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (1968 - 1969), quân Mỹ, quân Nam Triều Tiên cùng quân ngụy thường xuyên tổ chức các đợt càn quét qui mô vào địa bàn Xuyên Thọ. Quân Nam Triều Tiên đã đổ quân cắm chốt tại các điểm ở Nổng Phó Xuân, Trường Tôn. Lúc này, đồng chí Nguyễn Thị Chín là Thường vụ Đảng ủy, Xã đội trưởng đã cùng với lực lượng du kích trực tiếp đánh địch đi càn, bảo vệ vùng giải phóng. Thành tích trong công tác vận động và phát triển phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân, vận động lực lượng thanh niên xã tham gia du kích, tham gia lực lượng vũ trang trong suốt thời gian từ 1965 – 1969 đã kịp thời bổ sung lực lượng và hỗ trợ to lớn về mặt tinh thần cho anh em du kích, bộ đội các đơn vị huyện, tỉnh trong chiến đấu. Từ năm 1965 trở về sau, lực lượng du kích xã luôn ổn định ở quân số từ 60 đến 80 đồng chí, được huấn luyện và trang bị vũ khí đảm bảo độc lập đánh địch đi càn. Lực lượng này đã bổ sung cho bộ đội huyện và các đơn vị chủ lực của Mặt trận 4 Quảng Đà hằng năm hơn 50 đồng chí.
Tháng 7/1966, đồng chí Nguyễn Thị Chín trực tiếp chỉ huy trung đội du kích đánh địch đi càn. Với kinh nghiệm có được từ quá trình chiến đấu thực tế, đồng chí đã phán đoán ý đồ của địch khi chúng tấn công vào địa bàn. Từ đó, đồng chí đã cùng với lực lượng du kích thiết lập trận địa để đưa địch vào các bãi mìn mà tiêu diệt. Đúng như dự đoán, 2 đại đội địch có sự yểm trợ của pháo binh đã bị lực lượng du kích ta đưa vào các trận địa và nổ mìn tiêu diệt. Qua 2 ngày chiến đấu, trung đội du kích đã bẻ gãy cuộc càn, tiêu diệt và làm bị thương 48 tên địch, thu 15 súng. Đồng chí Nguyễn Thị Chín lập thành tích trong trận này với 12 tên bị diệt và thu được 3 súng. Từ sáng tạo trong cách thiết lập trận địa đánh địch, phong trào làm mìn tự tạo từ vũ khí địch được đẩy mạnh hơn trên địa bàn.
Ngày 19/7/1967, quân địch mở trận càn vào Xuyên Thọ với lực lượng hàng nghìn lính Mỹ, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép cùng sự yểm trợ của các trận địa pháo 105, 155 ở Cẩm Hà, Núi Quế. Pháo 203 từ hạm đội bắn vào cấp tập để hỗ trợ cho đội hình hành quân vào địa bàn. Đồng chí Nguyễn Thị Chín đã chỉ huy lực lượng du kích dựa vào địa hình và các trận địa mìn bố trí sẵn để đánh địch. Lực lượng du kích được chia thành nhiều tổ, nhiều mũi để chặn bước tiến của địch và vận động tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch. Tổ du kích của đồng chí Chín đã chiến đấu kiên cường, đánh bật các đợt xung phong của lực lượng địch ở mũi chính diện. Nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng bộ đội huyện nên tinh thần chiến đấu của anh em du kích được tăng lên. Lực lượng ta đã đẩy địch vào các bãi mìn, sau đó cơ động đánh địch bằng nhiều mũi làm cho chúng lâm vào tình trạng lúng túng vì phải vừa chống đỡ mìn ở các bãi, vừa chống đỡ lực lượng du kích tấn công ở các hướng. Hàng chục tên Mỹ, ngụy bị diệt ngay tại chỗ. Cùng lúc đó có tin của cơ sở phát hiện được một toán lính có mang theo điện đài đang trú đóng tại thôn Thuận Trì, có xe tăng và lính canh gát cẩn thận.
Đồng chí Nguyễn Thị Chín đã dự đoán đây là Ban Chỉ huy tiểu đoàn của lực lượng đi càn, đồng chí cùng một tổ du kích trang bị các loại vũ khí gồm đại liên M60, B40, súng chống tăng M 72 và tiểu liên bí mật tiếp cận mục tiêu. Lợi dụng trời chập choạng tối, bọn địch sau một ngày làm việc cũng mệt mõi nên đi tìm chỗ nghỉ, đồng chí Chín khai hỏa đợt tấn công bằng 1 quả B 40 vào xe tăng địch, bọn địch hốt hoảng, bất ngờ nên trở tay không kịp. Lực lượng du kích xả đại liên M 60 vào đội hình địch, B 40, súng chống tăng, tiểu liên cũng thi nhau trút xuống đội hình quân địch đang bấn loạn chưa kịp hoàng hồn. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng, 4 xe tăng M 113 bị bắn cháy, toàn bộ đội hình chỉ huy cuộc càn bị diệt gọn, thu được nhiều súng, đạn, điện đài…
Điên tiết với thất bại cay đắng về lực lượng và trang bị, sáng hôm sau địch lại tiến hành càn quét. Lực lượng du kích xã dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thị Chín tiếp tục triển khai đội hình chiến đấu quyết liệt. Đồng chí Nguyễn Thị Chín sau khi đã bắn hết đạn đã chôn súng rồi vào nhà dân thay trang phục rồi nhập vào lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng. Một tên chiêu hồi phát hiện và báo cho cấp trên của chúng. Bọn địch vội vàng bao vây bắt chị, chúng cởi áo chị ra làm dây trói và đưa chị lên xe tăng M 41 rồi chạy về nơi trú quân để tra tấn. Xe chạy trên đất cát ngược gió nên bụi cát bay mù mịt. Ngồi trên xe chị Chín giả vờ ngồi yên để địch mất cảnh giác rồi lựa thời cơ tẩu thoát. Khi xe chạy qua khe Thầy Huyền, đồng chí đã nhảy khỏi xe và dựa vào địa hình có bụi bờ xung quanh chạy thoát. Bọn địch khi phát hiện đã truy lùng gắt gao, chúng bắn xối xả vào các bụi bờ xung quanh nhưng vẫn không phát hiện ra đồng chí. Khi về đến đơn vị, đồng chí tiếp tục cầm súng ra mặt trận chỉ huy và chiến đấu với quân thù, trong cuộc chiến đấu lần này, bản thân đồng chí đã bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, 2 xe tăng và hàng chục tên địch. Trước sự kiên cường, bền bỉ và mưu trí của lực lượng ta, bọn địch cuối cùng cũng rút quân khỏi đất Xuyên Thọ.
Trong năm 1968, đồng chí Nguyễn Thị Chín bước vào tuổi 20 và gánh chịu một đau thương, mất mác vô cùng to lớn trong cuộc đời. Cả 3 người anh ruột cùng đứa em gái đã hy sinh trên các chiến trường, trong đó người anh kế và đứa em gái hy sinh trong cùng một ngày 27/7/1968. Những tưởng sự mất mát, đau thương quá to lớn này sẽ quật ngã nhưng chị chỉ lặng đi và trầm tĩnh hơn. Chị đang cố nén đau thương trong lòng để chiến đấu cho độc lập tự do của cả một dân tộc, trong đó có phần của các anh và đứa em gái của chị. Ý nghĩ đó càng thôi thúc chị cầm chắc hơn tay súng, tiến công tiêu diệt địch mạnh mẽ hơn.
Trong những năm 1968, 1969, đồng chí Nguyễn Thị Chín đã cùng với lực lượng du kích xã tham gia nhiều trận đánh với những chiến công to lớn hơn. Trong một trận chống càn vào tháng 4/1969, giữa lúc chiến trường đang diễn ra ác liệt thì tin người cha đã hy sinh trong đội hình đấu tranh chính trị với bà con bay đến. Từ trận địa chị tức tốc về nhà nhìn thấy xác cha và căn nhà đã bị đốt. Chị Chín nén đau thương nhìn cha lần cuối rồi nhờ bà con làng xóm thay chị mai táng cho cha. Chị quay lại chiến trường với một đau thương mới trong khi những thương đau trước đây chưa kịp nguôi ngoai. Chị chín vào vị trí chỉ huy với một thái độ bình thản đến lạ kỳ, chị tiếp tục động viên tinh thần chiến đấu của anh em du kích. Sự hy sinh thầm lặng của chị còn hơn cả trăn ngàn lời động viên khác, không ai bảo ai, những người du kích trong trận chiến ngày ấy đều quyết tâm lập thật nhiều thành tích, diệt thật nhiều tên địch để trả thù cho những tội ác mà kẻ thù đã gây ra. Trận chiến diễn ra không lâu, hơn 1000 tên địch tham gia cuộc càn cùng với các phương tiện qui mô hỗ trợ đã bị bẻ gãy. Đồng chí Nguyễn Thị Chín cũng đã diệt 23 tên địch và bắn cháy 1 xe thiết giáp.
Tháng 10/1969, trong một trận chống càn tại thôn Lệ Sơn, sau khi cùng lực lượng du kích đẩy lùi trận càn của quân Nam Triều Tiên vào địa bàn. Khi lực lượng du kích bám công sự đuổi theo để tiêu hao, tiêu diệt quân Nam Triều Tiên thì đồng chí Nguyễn Thị Chín đã bị trúng đạn rốc kết từ máy bay bắn xuống. Vết thương hiểm, máu ra nhiều, biết mình không thể sống được nữa nên đồng chí đã nói cùng anh em du kích : Các đồng chí ở lại mạnh khỏe và bình tĩnh chiến đấu diệt kẻ thù. Dứt lời, đồng chí đã vĩnh viễn ra đi khi đang ở vào độ tuổi 21, hôm đó đúng vào ngày 10/10/1969.

NGƯỜI MẸ ANH HÙNG

Mẹ Trần Thị Nam, sinh năm 1925 tại thôn Sơn Viên, xã Duy  Nghĩa là một Bà mẹ Việt Nam anh hùng có nhiều thành tích đóng góp cho phong trào cách mạng của xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Bản thân mẹ là liệt sĩ, có chồng và 3 con đều hy sinh trên mãnh đất Xuyên Thọ ở thời kỳ đế quốc Mỹ cùng chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu thực hiện quyết liệt chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trong suốt quá trình tham gia hoạt động cách mạng của mình, mẹ đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, tiêu biểu mà nhiều đồng chí, đồng đội của mẹ ở thế hệ nối tiếp phải nể phục.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo nhưng rất giàu lòng yêu nước, mẹ Trần Thị Nam đã sớm được hun đúc lòng căm thù giặc và ý thức cách mạng từ khi còn ở độ tuổi thiếu nhi. Tháng 8/1945, mẹ đã vững vàng trong đội ngũ của đoàn quân khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Cô thôn nữ Trần Thị Nam thời ấy là một du kích cừ khôi, gan dạ và mưu trí trong vai trò vừa là chiến sĩ giao liên, vừa trực tiếp tham gia chống các đợt càn quét của thực dân Pháp. Khi chủ trương của Phủ ủy Duy Xuyên đẩy mạnh mặt trận đấu tranh chính trị, binh địch vận từ năm 1950, đồng chí Trần Thị Nam được cấp ủy điều động sang công tác trong tổ chức Hội mẹ chị của xã Duy Nghĩa. Với cương vị Hội phó phụ nữ xã, đồng chí không quản ngày đêm bám trụ ở địa bàn, vận động các mẹ, các chị tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Trong suốt thời gian từ 1950 đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Hội mẹ chị xã Duy Nghĩa là một trong những đơn vị hoạt động xuất sắc của huyện. Nhiều phong trào thi đua được triển khai và thu hái được kết quả tốt như nuôi dưỡng và chăm sóc thương binh, phục vụ chiến đấu và tham gia đấu tranh chống địch càn quét địa bàn. Tuy là một địa phương nghèo, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn nhưng các mẹ, các chị luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đóng góp cho kháng chiến.
Khi đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đẩy mạnh các hoạt động khủng bố, tố cộng nhằm trả thù những cán bộ, đảng viên tham gia kháng chiến trên địa bàn Xuyên Thọ, mẹ Trần Thị Nam ngoài việc phải hứng chịu những trận đòn roi thừa sống, thiếu chết như bao đồng chí ở lại làm nhiệm vụ đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, đòi hiệp thương tổng tuyển cử còn phải nhận lãnh trách nhiệm củng cố, động viên những cơ sở cách mạng trên địa bàn tiếp tục các hoạt động nuôi giấu, giúp đỡ các đồng chí cán bộ Huyện ủy về hoạt động trên địa bàn như Nguyễn Xuân Hòa, Lê Bản Trịnh, Lê Thạnh…Riêng mẹ đã bí mật đào 2 hầm bí mật tại nhà mình để nuôi giấu các đồng chí về địa bàn công tác. Trong thời kỳ khủng bố tố cộng của Mỹ - Diệm (1954 – 1959), chồng mẹ là đồng chí Lê Thành Nam đã bị địch bắt giam và tra tấn tại xã, khu Xuyên Hải rồi đồn Hòn Bằng (Duy Sơn). Bản thân mẹ lại vừa nuôi chồng, nuôi con, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Tuy bận rộn và khó khăn trăm bề nhưng công việc nào mẹ cũng hoàn thành xuất sắc.
Sau khi Nghị quyết 15 của Trung ương được triển khai và tổ chức thực hiện trên địa bàn xã Xuyên Thọ (1960), phong trào đấu tranh chính trị, binh địch vận được tập trung đẩy mạnh nhằm hỗ trợ cho hoạt động của lực lượng vũ trang. Đồng chí Trần Thị Nam đã dành nhiều thời gian vào việc tuyên truyền, xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng quần chúng cốt cán trên từng địa bàn thôn xóm, đồng thời vận động tốt các gia đình có con em trong độ tuổi tích cực tham gia vào lực lượng vũ trang của tỉnh, của huyện và du kích xã. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng mà lực lượng mẹ chị nói riêng, quần chúng nhân dân nói chung trên địa bàn Xuyên Thọ đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng vũ trang đánh địch càn quét, lấn chiếm trên địa bàn. Những thông tin ở cơ sở (kể cả cơ sở trong hàng ngũ địch) cung cấp luôn kịp thời và chính xác, giúp lực lượng vũ trang diệt nhanh, gọn những tên tề ngụy, ác ôn của địch, đồng thời bảo vệ an toàn cho các đồng chí du kích tham gia các trận đánh diệt ác, phá kèm trong từng địa bàn. Chiến công của lực lượng vũ trang đã tạo thời cơ thuận lợi để ta xây dựng và phát triển thực lực cách mạng, tiến đến đồng khởi, giải phóng quê hương vào ngày 20/9/1964.
Thất bại nặng nề trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ nhằm thay đổi tình thế chiến trường. Trên địa bàn Xuyên Thọ, quân Mỹ và Nam Triều Tiên cùng lực lượng ngụy quân của Trung đoàn 51, lực lượng hải thuyền thuộc Duyên đoàn 14 thường xuyên càn quét, đánh phá vào địa bàn không kể ngày, đêm. Lúc này, trong cương vị Chủ tịch Hội phụ nữ xã, đồng chí Trần Thị Nam đã rất khôn khéo và sáng tạo trong đấu tranh chính trị với binh lính địch. Hàng chục, hàng trăm mẹ, chị ở các địa bàn đã được trang bị khá cơ bản những kinh nghiệm đấu tranh chống địch đi càn. Hầu hết các trận càn của địch nhằm chà phá hoa màu, cày ủi nhà cửa, cây cối trên địa bàn Xuyên Thọ trong giai đoạn này đều bị chặn đứng bởi lực lượng của đội quân tóc dài. Đối với lực lượng vũ trang tỉnh, bộ đội huyện, du kích xã tham gia chiến đấu trên các chiến trường đều nhận được những gói cơm, miếng nước hay đạn dược từ lực lượng dân công, phục vụ chiến đấu mà chủ yếu là phụ nữ. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Trần Thị Nam cùng với các đồng chí lãnh đạo của xã đã tích cực huy động lực lượng hơn 3000 người để tham gia đấu tranh chính trị theo kế hoạch. Lực lượng hậu cần cũng được chuẩn bị chu đáo nên đã góp phần hạn chế tối đa những tổn thất cho cách mạng trong chiến dịch.
Tháng 5/1968, khi chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - Ngụy được triển khai với hàng loạt các trận càn quét dưới hình thức cày ủi, đánh trắng, quân lính Mỹ và Nam Triều Tiên được huy động với một số lượng lớn, có cả xe tăng, pháo tiến hành dàn hàng ngang đánh trắng vào địa bàn. Nếu không chặn đứng chúng lại thì lực lượng vũ trang, du kích của ta khó còn chỗ đứng chân trên đất Xuyên Thọ bởi hầm hào đã xây dựng sẽ bị xe tăng địch chà nát. Không còn con đường nào khác, phải chấp nhận hy sinh để chiến đấu đến cùng, kiên quyết bắt buộc chúng phải lui quân để bảo toàn lực lượng cách mạng, bảo toàn tài sản nhân dân. Mẹ Trần Thị Nam đã bước lên chặn đầu đoàn quân địch và động viên lực lượng các mẹ, các chị: Chúng ta sẽ đấu tranh đến cùng, không được lùi bước, nếu lùi một bước là coi như đã thất bại. Nói xong, mẹ dùng chiếc đũa bếp đang cầm trên tay đánh ngay vào dầu một tên lính Mỹ đi đầu. Tên này hoảng sợ và xả súng bắn mẹ bị thương vào đùi. Mẹ ngã xuống nhưng cố gượng dậy hô lớn: Đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo đế quốc Mỹ! Tên lính Mỹ đã xả súng bắn chết mẹ ngay tại chỗ. Cái chết của mẹ đã làm cho quân thù khiếp sợ về tinh thần chiến đấu ngoan cường của một người mẹ dũng cảm. Bà con nhân dân trong xã càng căm thù giặc, khí thế đấu tranh càng mạnh mẽ hơn. Cả đoàn quân của địch phải quay đầu rút lui.
Đồng chí Trần Thị Nam – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuyên Thọ đã ra đi ở độ tuổi 43. Hai mươi ba năm hoạt động trong phong trào cách mạng tại xã Xuyên Thọ, đồng chí luôn dốc hết lòng, hết sức nhằm hoàn thành xuất sắc những công việc của cách mạng giao phó. Qua mỗi thời kỳ, mỗi vị trí công tác, đồng chí đã để lại niềm thương yêu, sự kính phục bởi những phẩm chất cần cù, trung thực, gan dạ và hết mình với đồng đội. Những chiến công của đồng chí đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng trên quê hương vùng cát Xuyên Thọ thân yêu.

NGƯỜI PHỤ NỮ VỚI PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI SÚNG BẸ DỪA

Duy Nghĩa, một vùng cát nằm về phía Đông của huyện Duy Xuyên. Cũng như bao vùng quê nghèo khó khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, người dân Duy Nghĩa quanh năm quần quật trên đất cát nhưng lúa gạo không đủ ăn, chủ yếu sống bằng khoai sắn. Cảnh sống nghèo khó “ Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” càng trở nên khó khăn hơn khi bọn Mỹ - Ngụy tăng cường đàn áp phong trào Cách mạng sau hiệp định Giơ ne vơ năm 1954.

          Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Duy Nghĩa theo đường lối  của Đảng: đòi dân sinh, dân chủ và hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, như nội dung của hiệp định Giơ ne vơ bị đàn áp đẫm máu. Nhà văn Vũ Thành Lê đã viết : “ Những cánh tay, khúc chân người do chó đào tha từ những cồn cát về làng, hay những bao tải có xác người thình lình nổi lên ở các bến bãi, triền sông rất thường xuyên, là minh chứng của tội ác mà kẻ thù đã thủ tiêu đảng viên, cán bộ và cơ sở cách mạng của ta”. Cũng chính từ tội ác đó mà nhân dân Duy Nghĩa càng nung nấu lòng căm thù giặc, lòng kính trọng, khâm phục những đảng viên và cán bộ kháng chiến một lòng gắn bó với cách mạng. Phong trào đấu tranh tiếp tục được dấy lên mạnh mẽ, lớp cha trước, lớp con sau, mãnh đất Duy Nghĩa đã sản sinh ra hàng trăm người con ưu tú, dám xả thân vì độc lập tự do và thống nhất của tổ quốc. Những cái đầu được treo giá 1 triệu đồng tiền thưởng như chị Nguyễn Thị Như Mai ( Dưỡng ) ngày càng xuất hiện nhiều trong phong trào đấu tranh cách mạng.

          Cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của chị Như Mai với bao nhiêu khó khăn và nguy hiểm, ban ngày phải dầm mình trong trong nước mặn ở những đầm dừa trốn địch đi lùng, ban đêm tìm về xây dựng cơ sở cách mạng. khi được Huyện ủy bố trí cho vượt biển ra tập kết ở miền Bắc không thành, chị bị địch bắt bỏ tù. Những đòn tra tấn thừa chết, thiếu sống đối với chị không thể kể hết. Có lần, chúng tra tấn chị đến chết ngất rồi đưa vào nhà xác, gia đình và các cơ sở cách mạng của ta đưa chị về cứu chữa và giả làm đám tang để che mắt địch. Khi chúng phát hiện chưa chết thì chị phải giả bệnh “tâm thần” để ra hợp pháp. Năm 1963, Chị Mai được phục hồi đảng tịch và được cử làm bí thư chi bộ xã, Huyện ủy đưa anh Nguyễn Hữu Nghĩa trở về phụ trách vùng cát thay cho anh Lê Bản Trịnh đã bị địch giết hại và trực tiếp phụ trách xã Xuyên Phước, chị Mai phụ trách xã Xuyên Thọ (Xuyên Phước và Xuyên Thọ là 2 xã trước đây của Duy Nghĩa). Phong trào cách mạng của quần chúng sau một thời gian bị đàn áp dã man dần dần được khôi phục và phát triển. Khí thế bừng bừng và luôn nằm trong tư thế sẵn sàng xung trận. Đầu năm 1964, Huyện ủy chủ trương đẩy mạnh thực hiện diệt ác, phá kèm, giành dân, giải phóng nông thôn. Anh Nghĩa về huyện nhận chủ trương, chị Như Mai về tỉnh học kinh nghiệm đồng khởi ở Bến Tre, nhưng việc học tập kinh nghiệm đồng khởi ở Bến Tre phải hoãn lại nhiều lần vì bị địch phát hiện và tập trung đánh phá, xã bị đứt liên lạc với huyện. Đến gần cuối năm 1964 thì kế hoạch mới được tiến hành. Cũng trong thời điểm nầy, cơ sở quần chúng đã được phát triển khá rộng khắp, lực lượng du kích xã, thôn khá đông nhưng vũ khí trang bị gần như không có, toàn xã chỉ có 3 khẩu súng, huyện tăng cường thêm 5 đồng chí trong lực lượng vũ trang và 5 khẩu súng. Súng thì ít mà anh em du kích thì nhiều, ai cũng muốn mình được cầm súng. Trước tình thế đó, Ban Khởi nghĩa của xã nghĩ ra cách lấy bẹ dừa đẻo thành súng để phân phát cho anh em. Ban ngày, các cơ sở hợp pháp đến các đồn dân vệ lân la tìm hiểu và xem mẫu mã các loại súng của địch để đêm về đẻo cho giống; lấy đất sét nắn làm lựu đạn giả nhằm chuẩn bị “vũ khí” cho ngày khởi nghĩa. Ban Khởi nghĩa giao cho đội du kích mật đêm đêm vát súng bẹ dừa đi tuần quanh các lối xóm để khuyếch trương lực lượng, tạo khí thế cách mạng trong quần chúng và hù dọa địch. Khí thế cách mạng lên cao, địch càng co cụm. Ban ngày chúng đến trụ sở làm việc và đi lùng sục cơ sở cách mạng, ban đêm chúng lên thuyền sang Hội An để ngủ, còn bọn dân vệ thì không dám thấp thoáng ra ngoài. Lợi dụng tình hình này, Chị Mai đi từng địa bàn để nắm tình hình, vẽ bản đồ, anh Nghĩa khảo sát lại để vạch ra kế hoạch khởi nghĩa. Ban Chỉ huy đồng khởi được thành lập, anh Nghĩa được cử làm chủ tịch, anh Trần Thận, thường vụ tỉnh ủy, anh Năm thường vụ huyện ủy về trực tiếp chỉ đạo phong trào.

          Ngày 20 tháng 9 năm 1964 nhằm vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, được tin bọn tề xã tập trung để tiến hành phiên họp hội đồng, Ban Chỉ huy nhận định đây là thời cơ thuận lợi để tiến hành khởi nghĩa, lực lượng quần chúng đi chùa đông, lực lượng du kích của ta dễ trà trộn để thực hiện nhiệm vụ. Mọi công tác chuẩn bị được tiến hành một cách khẩn trương và chặt chẽ. Tối ngày 19 tháng 9, lực lượng toàn xã tập trung duyệt lại đội hình lần cuối. Phân chia lực lượng thành 4 tiểu đội, mỗi tiểu đội được trang bị 2 khẩu súng, 2 quả lựu đạn, còn lại là súng bẹ dừa và lựu đạn đất. Mỗi người được trang bị dây dù, chéo dù hoa, lương khô, bông, băng cá nhân. Các đơn vị được phân chia phụ trách từng khu vực, từng địa bàn trọng điểm cụ thể và được quán triệt kỹ mục đích, yêu cầu của cuộc khởi nghĩa. Các cơ sở cách mạng đã bí mật mua vải, may cờ Mặt trận. Ban chỉ huy đề nghị du kích xã Bình Dương đón lỏng địch nếu thấy chúng chạy vào mạn Bình Dương.

          Đúng như tin báo của cơ sở, Ngày 20 tháng 4 năm 1964, bọn hội đồng xã tiến hành tụ họp gần bến đò Nồi Rang để bàn mưu kế chống phá cách mạng. Sau khi kết thúc phiên họp, chúng tụ tập ăn nhậu tại nhà Ông Ngô Dưỡng. Thời cơ đã đến, Ban chỉ huy ra lệnh nổ súng. Những cơ sở được bố trí khu vực xung quanh ập vào nhà, lực lượng bố trí dưới các rặng dừa nước cũng xông ra, các hướng tấn công đều áp sát khu vực và đồng loạt nổi dậy. Bọn hội đồng xã trở tay không kịp, lực lượng khởi nghĩa đã trói gọn. Quần chúng kéo đến  hoan hô cách mạng ngày càng đông, những lá cờ Mặt trận giải phóng dấu kín được tung ra và treo lên cao tung bay phất phới. Du kích và bà con nhân dân dùng cả súng bẹ dừa để truy bắt ác ôn, dân vệ. Nhìn thấy khí thế cách mạng bừng bừng, bọn ác ôn hồn phách rã rời, trung đội dân vệ địch nằm im không dám nổ súng. Mâm tề hội đồng Xuyên Thọ, Xuyên Phước bị tóm gọn. Tiếng súng nổ, tiếng truy hô vây bắt, tiếng reo vui chiến thắng vang dậy cả mãnh đất Nồi Rang. Bọn dân vệ trốn chạy toán loạn, một số tên lọt vây, cố sống, cố chết chạy ra sông định lội qua Hội An nhưng đều bị lực lượng đón lỏng dùng thuyền bắt gọn. Nhân dân hăng hái tham gia cùng cán bộ, du kích truy lùng bọn ác ôn đang trốn chui, trốn nhủi nơi các bờ, các bụi... Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Duy Nghĩa với lòng căm thù giặc và vũ khí chủ lực súng bẹ dừa, lựu đạn đất hoàn toàn thắng lợi. Tối hôm đó, mitting toàn dân được tổ chức, tuyên bố thành lập chính quyền xã. Nhân dân nô nức chào mừng ngày giải phóng.

          Chính quyền cách mạng được thành lập và ra mắt trước đông đảo nhân dân, Đồng chí Trần Thận lúc bấy giờ là Trưởng ban Quân sự tỉnh cũng có mặt để chứng kiến sự kiện quan trọng nầy.

          Trãi qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, những trận đánh lớn, đánh nhỏ của lực lượng vũ trang và nhân dân ta trên địa bàn cả tỉnh, cả nước diễn ra nhiều vô số kể. Nhưng súng bẹ dừa, lựu đạn đất mà giành chiến thắng như ở vùng đất cát Duy Nghĩa thật là một huyền thoại - Có chăng chỉ diễn ra trên đất nước và trong con người Việt Nam anh hùng.

CHUYỆN VỀ NGƯỜI CHIẾN SĨ GIAO LIÊN

Kế thừa và phát huy truyền thống của gia đình, đồng chí Lê Cây (sinh năm 1939) đã sớm tìm đến với cách mạng khi mới tròn 13 tuổi. Đây cũng là thời điểm mà thực dân Pháp được sự hỗ trợ tích cực của đế quốc Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động đánh phá cách mạng trong cuộc chiến tranh xâm lược trên phạm vi cả nước nói chung, thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa – Quê hương của đồng chí Lê Cây nói riêng.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, gia đình đồng chí Lê Cây là một trong những gia đình cách mạng tiêu biểu ở Duy Nghĩa. Cha là một chiến sĩ du kích dũng cảm; mẹ là một cơ sở cách mạng và thường xuyên nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ về hoạt động tại xã. Tuổi thơ của đồng chí Lê Cây gắn liền với chuổi dài ô nhục của thân phận người dân mất nước. Do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên đồng chí phải đi giữ bò thuê cho một gia đình giàu có tại thôn Sơn Viên để kiếm cơm ăn. Nhờ sớm ý thức được nỗi nhục của thân phận làm thuê, làm nô lệ nên mọi công việc hằng ngày đồng chí luôn hết sức cẩn trọng. Điều này đã tạo cho đồng chí một đức tính cần cù, trầm tĩnh nhưng vô cùng kiên quyết. Đây cũng là những phẩm chất quan trọng và cần thiết của một cán bộ giao liên trong vùng địch chiếm đóng.
Vào năm 1952, đồng chí Nguyễn Đào – Huyện ủy viên về công tác và trụ bám tại thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa và đã phát hiện cậu thiếu niên Lê Cây với những tố chất cần thiết cho một người làm liên lạc mà đồng chí đang tìm. Thế là cậu bé Lê Cây đã đến với cách mạng trong vai trò của một đồng chí làm liên lạc nhưng núp dưới bóng của một cậu bé chăn bò. Trong 3 năm làm liên lạc cho đồng chí Nguyễn Đào và nhiều đồng chí cán bộ khác về công tác, cậu bé Lê Cây đã luôn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Qua mỗi nhiệm vụ được tổ chức giao và thực hiện thành công, đồng chí ngày càng tích lũy cho mình những kinh nghiệm hết sức quí báu trong việc tiếp cận, lấy thông tin và qua mặt bọn lính địch luôn theo dõi, kiểm soát. Không biết từ bao giờ, cái ước mơ cầm súng đánh địch của cậu bé Lê Cây ngày nào khi chứng kiến cảnh tàn sát của quân Pháp trên quê hương đã được thay thế bằng công việc làm giao liên, mang những thông tin quan trọng đến cung cấp với các đồng chí lãnh đạo để kịp thời ứng phó hoặc hoạch định sách lược tấn công địch.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi bằng Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ cùng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã gây nên cuộc chiến tranh một phía hết sức đẫm máu. Trên địa bàn xã Xuyên Thọ (Duy Nghĩa), nhiều vụ tra tấn, khủng bố và thủ tiêu cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng không sao kể hết. Hoạt động của các đồng chí cán bộ huyện về xây dựng lực lượng ngày càng khó khăn hơn bởi sự kiểm soát gắt gao của bộ máy chính quyền địch. Nhiệm vụ đưa đón và bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ về công tác là hết sức khó khăn và nặng nề đối với đồng chí Lê Cây. Nhiều đồng chí cán bộ về công tác tại xã đều được đồng chí trực tiếp đưa đón đến các địa bàn một cách an toàn trong suốt thời gian trụ bám hoạt động. Tháng 11/1955, đồng chí Lê Cây được tổ chức sắp xếp vào làm dân vệ để nắm thông tin về tình hình địch. Trong vai trò này, đồng chí đã rất khôn khéo dò tìm, thu thập những thông tin có giá trị để cung cấp cho các đồng chí Huyện ủy, các đoàn công tác về trụ bám để chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Xuyên Thọ. Ngoài thời gian tham gia tập trung trong lực lượng dân vệ để thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng chí Lê Cây còn tích cực tham gia vào việc đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu, thư từ cho cách mạng. Nhiệm vụ nào cũng được đồng chí thực hiện an toàn, bí mật, nên đã hạn chế rất nhiều tổn thất cho cách mạng. Khi đồng chí Nguyễn Xuân Hòa về xã Xuyên Thọ công tác thay cho đồng chí Nguyễn Đào ra Bắc tập kết, đồng chí Lê Cây đã đón đồng chí Nguyễn Xuân Hòa về nhà và đào hầm bí mật để nuôi đồng chí Hòa trụ bám hoạt động. Khi đồng chí Hòa hy sinh, đồng chí Lê Thạnh tiếp tục về công tác và sống tại căn hầm bí mật tại nhà đồng chí Lê Cây.
Những năm 1958, 1959, chính sách đàn áp, khủng bố, tố cộng của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được đẩy lên mạnh mẽ với tính chất quyết liệt, dã man hơn. Hoạt động của các đồng chí cán bộ, đảng viên cũng như phong trào đấu tranh của quần chúng ở Xuyên Thọ lúc này bị lắng xuống. Đồng chí Lê Cây đã bí mật lên Khu Tây của huyện để tìm gặp các đồng chí lãnh đạo của Huyện ủy báo cáo tình hình và xin chủ trương. Huyện ủy đã cử đồng chí Lê Bản Trịnh về đứng chân tại xã Xuyên Thọ để chỉ đạo phong trào của xã và cả Khu Đông của huyện. Tại Xuyên Thọ,  căn hầm bí mật tại nhà đồng chí Lê Cây lại trở thành nơi ăn ở, trụ bám, hoạt động của đồng chí Lê Bản Trịnh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trịnh và sự năng động, sáng tạo của đồng chí Lê Cây, phong trào của Xuyên Thọ đã từng bước khôi phục và phát triển. Cơ sở cách mạng được củng cố, xây dựng nhằm đảm bảo tốt cho yêu cầu cách mạng trên địa bàn của xã. Nhiều cơ sở đã tự xây hầm bí mật để đón các đồng chí cán bộ về trụ bám hoạt động trong xã và cả Khu Đông.
Bước vào những năm 1960, khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã được triển khai trong toàn huyện, Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân Xuyên Thọ vô cùng phấn khởi và tin tưởng vào sự thay đổi tình thế cách mạng. Truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu được tung ra và thu hút sự quan tâm bàn tán của đại đa số nhân dân. Để phát huy hơn nữa khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân, các đồng chí cán bộ Huyện ủy về trụ bám và Chi bộ Đảng xã Xuyên Thọ đã quyết định tổ chức rải truyền đơn trong phạm vi toàn xã. Địa điểm trọng tâm của lần rải truyền đơn này là các khu vực đông dân cư, khu vực địch kiểm soát, các đồn bốt và nhà ở của những tên trong bộ máy Hội đồng hương chính xã. Công việc này đòi hỏi phải có sự gan dạ, dũng cảm, bình tỉnh của người thực hiện vì rất nguy hiểm do phải đối mặt với lính đi tuần. Đồng chí Lê Cây đã tình nguyện xin nhận và hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ trước các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy và chi bộ Đảng xã.
Trong vai thành viên dân vệ, đồng chí Lê Cây đã mang truyền đơn rải khắp cơ quan Hội đồng xã. Tại nhà các tên Xã trưởng, Xã phó cũng như các thành viên trong bộ máy tề ngụy của xã đều được đồng chí Lê Cây “tặng” cho vài tờ truyền đơn của cách mạng. Việc rải truyền đơn thành công đã tạo nên tiếng vang mạnh mẽ làm bấn loạn tinh thần trong hàng ngũ địch, đồng thời làm nức lòng quần chúng nhân dân trên địa bàn Xuyên Thọ. Bọn tề ngụy từ Xã trưởng cho đến dân vệ canh gác vừa hoảng sợ, vừa điên tiết. Chúng quyết tâm tìm cho bằng được người đã rải truyền đơn ngay trong hàng ngũ của chúng. Địch bắt đầu tra tấn dã man hơn những người tình nghi. Một số cơ sở không chịu nổi các hình thức tra tấn nên khai cho đồng chí, thế là địch bắt đồng chí Lê Cây, Nguyễn Bội Dung là những người chúng tình nghi có liên quan đến vụ rải truyền đơn. Sau những trận đòn thừa sống thiếu chết, chúng đưa cả hai đồng chí vào miếu Mà Ca ở thôn Lệ Sơn để tiếp tục tra tấn. Suốt cả hai ngày đêm với đầy đủ các loại cực hình dã man như tàu bay, rút xà…vẫn không thể lay chuyển ý chí cách mạng sắt đá của các đồng chí. Để uy hiếp tinh thần đồng chí Lê Cây, địch tra tấn làm cho đồng chí Nguyễn Bội Dung chết tại chỗ nhưng chúng vẫn không có được một lời khai nào ngoài những lời chửi rủa của đồng chí Lê Cây.
Không thể tiếp tục tra tấn vì không thu được cái chúng cần, địch bắt đầu chuyển sang hình thức mua chuộc, dụ dỗ với đủ lời đường mật nhằm tìm kiếm cán bộ nằm vùng và các cơ sở của ta tại xã Xuyên Thọ. Những cơ sở của ta khi nhìn thấy những thủ đoạn tra tấn của địch đối với đồng chí Lê Cây, ban đầu ai cũng có cảm giác lo sợ đồng chí không chịu đựng nổi mà khai ra thì toàn bộ các cơ sở trên địa bàn bị đổ vỡ. Quan trọng hơn hết là niềm tin của nhân dân vào Đảng chắc sẽ mất đi, ai còn dám làm cơ sở cách mạng sau này. Nhưng qua đến ngày thứ 2 rồi đến ngày thứ 3, đồng chí Lê Cây vẫn còn đó với những đòn tra tấn của kẻ địch, các cơ sở ở Xuyên Thọ đều được bảo toàn. Ai nấy đều tỏ ra ngưỡng mộ, khâm phục và biết ơn đồng chí. Lợi dụng bọn địch tra tấn đã mệt mõi phải đi ngủ, đồng chí Lê Cây đã dùng răng cắn đứt dây trói rồi trốn thoát trong đêm khuya ngày thứ 3. Biết mình đi đến đâu sẽ liên lụy đến cơ sở ở đó nên đồng chí Lê Cây quyết định vượt địa bàn lên tìm cấp trên. Vừa đói, vừa mệt, vừa mất sức do phải chịu các đòn tra tấn dã man của kẻ thù nhưng đồng chí vẫn kiên quyết đi trong đêm. Khi đến được địa phận xã Xuyên Hiệp (Duy Sơn ngày nay) thì bọn lính đi tuần phát hiện. Thấy trên người đồng chí đầy thương tích, nhiều chỗ máu còn chảy ra do không được băng bó nên chúng bắt đồng chí và đưa về quận Duy Xuyên để tiếp tục tra tấn, khai thác.
Tại cơ quan quận Duy Xuyên, đồng chí Lê Cây tiếp tục chịu đựng những trận đòn và các hình thức tra tấn dã man nhất của bọn quan quân cấp quận với hơn 20 ngày. Hết đòn roi rồi mua chuộc, dụ dỗ, thậm chí chúng còn đe dọa sẽ thủ tiêu toàn bộ gia đình đồng chí nếu không khai báo cho chúng. Tất cả đều không khuất phục được ý chí, nghị lực của người cộng sản chân chính Lê Cây. Địch phải dùng đến hình thức cuối cùng như đã dùng với bao nhiêu đồng chí cách mạng là thủ tiêu. Chúng trói chặt đồng chí rồi bỏ vào bao tải không khác gì những đồng chí bị thảm sát trong vụ đập Vinh Trinh trước đây. Trước khi ném đồng chí xuống sông Bàn Thạch, chúng còn nói: Khai thì chúng sẽ tha, không khai thì chúng thả sông. Tuy vậy, chúng cũng không thể nhận được câu trả lời của đồng chí Lê Cây. Xác đồng chí Lê Cây đã hòa cùng dòng nước của sông Bàn Thạch từ năm 1960, khi cuộc kháng chiến trên địa bàn huyện ta, tỉnh ta và cả miền Nam mới bước vào giai đoạn phát triển đấu tranh vũ trang, chống trả tội ác man rợ của kẻ thù.
Đồng chí Lê Cây hy sinh anh dũng ở độ tuổi 21, cái độ tuổi tràn đầy nhiệt huyết và đẹp nhất của một đời người. Cho đến nay thì xác của đồng chí vẫn chưa tìm được! Những chiến công thầm lặng ở mặt trận hậu cứ của đồng chí Lê Cây là vô cùng to lớn và có tầm ảnh hưởng đến cả một phong trào, một giai đoạn cách mạng của địa phương. Có thể những thành tích ấy chưa nhiều, chưa tiêu biểu xuất sắc như một số đồng chí khác nhưng tinh thần cách mạng, ý chí kiên trung của người cộng sản trong đồng chí Lê Cây luôn có thừa ở bất kỳ thời điểm nào. Sự hy sinh của đồng chí được đánh đổi bằng niềm tin, bằng khí thế sôi sục cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Xuyên Thọ nói riêng, Đảng bộ Duy Xuyên nói chung. Những cơ sở cách mạng thời ấy đã noi gương đồng chí, quyết tâm hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ cách mạng giao cho, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đồng khởi giải phóng quê hương Xuyên Thọ vào ngày 20/9/1964. Một số đồng chí cán bộ cùng thời với đồng chí Lê Cây như chị Nguyễn Thị Như Mai, hoặc các đồng chí lãnh đạo của Huyện ủy như đồng chí Trần Thận đều ghi nhận công lao, thành tích và tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lịch sử Đảng bộ xã Duy Nghĩa, Đảng bộ huyện Duy Xuyên hôm nay sẽ ghi tên đồng chí Lê Cây bằng sự trân trọng, tự hào nhằm tôn vinh hình ảnh đồng chí với những đóng góp vào sự nghiệp cách mạng. Riêng với tôi, đồng chí Lê Cây mãi mãi xứng đáng là một người anh hùng, một tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực, tinh thần yêu nước và đức hy sinh để lớp hậu sinh chúng tôi học tập và noi gương.

NGƯỜI ANH HÙNG THỜI GIỮ LỬA

Trong tâm trí của nhiều người dân huyện Duy Xuyên nói chung, hai xã vùng cát Duy Nghĩa, Duy Hải nói riêng luôn đầy ắp sự ngưỡng mộ, khâm phục và tri ân đối với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hòa (truy tặng ngày 23/02/2010). Nhiều câu chuyện về quá trình hoạt động cách mạng mưu trí, sáng tạo, dũng cảm như những giai thoại không có hồi kết. Đặc biệt, những hành động kiên cường, gan dạ, anh hùng để giữ vững khí tiết của người Cộng sản trước kẻ thù trong lúc bị bắt bớ, tra tấn, khủng bố, ở thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn được các thế hệ cùng thời kể lại cho con cháu bằng sự trân trọng, tiếc nuối và hy vọng thế hệ hôm nay sẽ được nghe, được biết để học tập, noi gương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa (1911) xuất thân từ một gia đình bần nông tại thôn Xuyên Tây, thị trấn Nam Phước. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938 trong vai trò một thầy giáo dạy học chữ Quốc ngữ. Quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã kinh qua các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Cổ Am (bao gồm các thôn: Xuyên Tây, Vĩnh Lại, Mỹ Cựu trước đây); Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Duy Phương; Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Duy Xuyên. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa được giao nhiệm vụ ở lại bám địa bàn, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, đồng thời bí mật tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ; đòi địch thi hành các điều khoản đã ký kết trong Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã đơn phương phá vỡ Hiệp định, tiến hành thực hiện ngay chính sách đàn áp, khủng bố đối với cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng để uy hiếp tinh thần nhân dân. Chính vì vậy, địa bàn hoạt động của cán bộ, đảng viên ở lại bám trụ rất khó khăn, phải thay đổi thường xuyên để tránh tổn thất do địch truy lùng, bắt bớ. Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa đang phụ trách địa bàn xã Duy Hưng thuộc khu Tây (gồm các xã Duy Tân, Duy Phú bây giờ), phải điều chuyển về khu Đông (ở các xã Xuyên Phước, Xuyên Thọ) với biệt danh là anh Chín. Sau gần một năm hoạt động thì đồng chí bị địch bắt tại nhà mẹ Nguyễn Thị Diên sát nhà thờ Tộc Lê (thôn Lệ Sơn, xã Duy Nghĩa bây giờ).
Khi bắt được đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, bọn chúng đã còng tay, bịt mặt đồng chí rồi lao vào đấm đá túi bụi cho hả giận, sau đó chúng cột chặt đồng chí vào thân cây mai trước sân nhà thờ phơi nắng nguyên một ngày, đồng thời loan tin đã bắt được tên “Cộng sản gộc” để dò tìm các đồng chí của ta còn lại đến thăm viếng thì bắt và uy hiếp tinh thần quần chúng. Ngay đêm hôm đó, chúng thay phiên nhau đánh đập, chúng dùng giày đinh đạp vào ngực, dùng báng súng thúc vào bụng, lấy ớt bột hòa với nước xà phòng đổ vào miệng, vào mũi. Dã man nhất là chúng trói chặt đồng chí để không thể cựa quậy được rồi dùng đèn sáp lớn (loại đèn số 1 thời ấy) đốt cháy các bắp chân của đồng chí đến chảy mở, máu tứa ra quyện với mùi thịt cháy khét lẹt nhưng chúng vẫn không buông tha. Độc ác nhất là chúng dùng dao cắt luôn đôi nhượng chân để đề phòng đồng chí trốn thoát. Tuy đã dùng tất cả mọi thủ đoạn tàn độc nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí của người Cộng sản Nguyễn Xuân Hòa, lúc nào cũng chỉ một câu nói: “Không biết, việc tau làm tau chịu, không có gì để khai báo cho tụi bay”.
Không khai thác được gì nên chúng dùng võng khiêng đồng chí ra ghe (do bị cắt nhượng chân nên không thể đi được) để chuyển về quận Duy Xuyên, khi khiêng đồng chí đi ngang qua nhà tại thôn Xuyên Tây, đồng chí xin chúng cho vào thăm nhà, vợ con đồng chí thấy vậy ôm nhau khóc nức nở. Đồng chí bình tĩnh an ủi: “Mẹ hắn và các con ở lại nhà, tui đi đây, dù có chết thì vẫn còn muôn người sống chung quanh, chết như rứa không có chi để tiếc”. Bọn địch đã có tên tức tối xông vào đánh túi bụi và chửi thề: “Mẹ mày, chết đến nơi rồi mà còn tuyên truyền hả”. Tại lớp huấn chính, tố cộng tại cây đa đình làng Xuyên Mỹ (thôn Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước hiện nay) có hơn 1000 cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng trong toàn huyện chúng bắt về tham gia. Bọn địch chuyển sang dụ dỗ, thuyết phục đồng chí đến lớp học này tuyên truyền đầu hàng. Đồng chí đã nói với tên Chi trưởng cảnh sát quận Duy Xuyên Phan Trường Nhì: “Một lần nói là một lần khó, các ông tổ chức một cuộc mitting để tui nói cho dân nghe luôn”. Chúng đốc thúc quân lính đi huy động dân chúng ở Xuyên Châu, Xuyên Mỹ, Xuyên Quang đến tham dự mitting. Đồng chí đã biến cuộc mitting thành nơi lên án tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, đồng thời tuyên truyền về đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng ta... Không để cho đồng chí tiếp tục, bọn địch đã xông lên giật phắt micro, đạp đồng chí ngã nhào, còng tay chân đồng chí để chuyển đi. Một số người sau khi nghe lệnh giải tán cuộc mitting, còn nghe vang tiếng hô của đồng chí:
-         Hồ Chủ tịch muôn năm
-         Đảng lao động Việt Nam muôn năm
-         Đả đảo chế độ độc tài Ngô Đình Diệm
Chúng chuyển đồng chí lên dồn cảnh sát đóng tại Kiệu Thượng (Trà Kiệu, Duy Sơn ngày nay), trói đồng chí vào trụ cờ trước sân để phơi nắng, không cho ăn uống và tra tấn liên tục trong suốt một tuần lễ. Hết tra tấn rồi dụ dỗ, mua chuộc nhưng cũng chỉ được một câu nói: “Các ông có lý tưởng của các ông, tui có lý tưởng của tui, chẳng có gì để khai báo cả”. Giấy bút của chúng mang ra để lấy lời khai đều bị đồng chí xé nát và bẻ gãy ngay trước mặt. Sang tuần tiếp theo, chúng tổ chức cuộc đấu lý với đồng chí có sự tham dự của quan chức ở quận Duy Xuyên. Trong tư thế bình thản, tự tin, đồng chí nêu rõ từng luận điểm về chính nghĩa, không chính nghĩa, lên án sự lật lọng của Mỹ - Diệm, chỉ rõ tính mị dân của đảng Cần Lao nhân vị mà Ngô Đình Nhu là người sáng lập,... Không có một lời lẻ nào có thể đối chất lại, lần lượt từng quan chức ở quận lặng lẻ rút lui cho khỏi bẻ mặt, chỉ còn tên Cảnh sát trưởng ngồi lại hứng chịu sự thất bại nhục nhã đến choáng váng mà y là người đã tự bày ra rồi chuốc lấy. Ngay trong đêm hôm đó (lúc 19 giờ, trung tuần tháng 2 năm 1956) chúng đã đưa đồng chí Nguyễn Xuân Hòa đi biệt tích.
Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình, đồng đội, các cấp chính quyền đã tích cực tìm kiếm hài cốt của đồng chí Nguyễn Xuân Hòa để mang về an táng,  hương khói nhưng vẫn biệt vô âm tín. Đồng đội của đồng chí, cả những người tham gia trong chế độ ngụy quyền thời đó cũng không biết đồng chí bị giam cầm ở đâu sau khi chuyển đi từ Kiệu Thượng. Thời gian càng trôi đi, công việc tìm kiếm càng trở nên tắt lối. Ông Nguyễn Thế Lang - con trai của đồng chí Nguyễn Xuân Hòa năm nay đã 76 tuổi cũng không dám tin sẽ tìm được hài cốt của cha, qua đó biết rõ hơn về cái chết của cha mình như thế nào cho thỏa ước nguyện trước khi nhắm mắt.
Cho đến một ngày trung tuần tháng 6 năm 2009, ông Trần Đình Khôi (quê ở Duy Trinh, hiện đang sinh sống tại tỉnh ĐăkLắc) nhớ lại câu chuyện của hai chú cháu đồng hương Duy Xuyên thời kỳ bị địch giam cầm đầu năm 1956. Sau một đêm tâm sự tại đồn Quân Cảnh tư pháp Đà Nẵng thì đêm sau đó, chính ông đã sờ vào thi thể lạnh ngắt của chú Nguyễn Xuân Hòa sau khi bị kẻ địch đưa đi tra tấn rồi ném lại phòng giam. Ông nhớ lại cái cảm giác lạnh ngắt của thi thể chú Hòa ngày ấy rõ ràng đã chết nhưng sao bọn địch lại dùng xe chuyển đi bệnh viện để điều trị bệnh. Ông Khôi khẳng định bọn chúng chở đi vứt xác ở đâu đó quanh khu vực đồn và tung tin để đánh lừa anh em tù chính trị đấu tranh. Với Ông, chỉ qua những câu chuyện tâm sự về cuộc đời hoạt động, về ý chí, nghị lực của người cộng sản, nhất là những thương tích mà kẻ thù đã gây ra trên người chú Hòa với vết này chưa kịp khô máu thì vết khác xuất hiện, đã để lại cho ông niềm cảm phục và tôn kính. Ông điện về nhờ người thân (ông Hồ Dư - Duy Trinh) đi tìm thân nhân của đồng chí Nguyễn Xuân Hòa ở Xuyên Tây, Duy Xuyên mà ông đã nghe đồng chí Nguyễn Xuân Hòa đã kể. Ông Dư đã tìm đến nhà ông Nguyễn Thế Lang, câu chuyện tìm hài cốt đồng chí Hòa đã lóe lên được tia hy vọng mới. Bắt đầu từ tháng 11/2009 đến cuối tháng 7/2010, gia đình cùng đồng đội của đồng chí tiếp tục tìm kiếm nơi địch đã chôn xác đồng chí. Qua nhiều nguồn thông tin, xác định được địa điểm chôn xác đồng chí Hòa tại địa chỉ số 791, đường Trần Cao Vân, Phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng (nay là nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thân và bà Võ Thị Lài). Ngày 05/8/2010 (nhằm ngày 25/6/Canh Dần), gia đình ông Lang tiến hành bốc thi hài của đồng chí Nguyễn Xuân Hòa chuyển về Duy Xuyên. Sáng ngày 06/8/2010, Lễ truy điệu anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Xuân Hòa được tiến hành trong không khí trang nghiêm, xúc động của các đồng chí lãnh đạo huyện, cán bộ công chức của huyện, thị trấn Nam Phước và thân nhân gia đình, tộc họ. Ông Nguyễn Thế Lang nghẹn ngào nói không nên lời nhưng trong ánh mắt của ông đã ánh lên được niềm vui khôn tả bởi ước nguyện luôn canh cánh trong lòng ông đã được thỏa mãn, cho dù đã gần 55 năm trôi qua trong sự khắc khỏi ở cái tuổi dần xế chiều của cuộc đời.