Trang

Bài viết Blog

  • Bài viết Blog

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

NGƯỜI PHỤ NỮ VỚI PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI SÚNG BẸ DỪA

Duy Nghĩa, một vùng cát nằm về phía Đông của huyện Duy Xuyên. Cũng như bao vùng quê nghèo khó khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, người dân Duy Nghĩa quanh năm quần quật trên đất cát nhưng lúa gạo không đủ ăn, chủ yếu sống bằng khoai sắn. Cảnh sống nghèo khó “ Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” càng trở nên khó khăn hơn khi bọn Mỹ - Ngụy tăng cường đàn áp phong trào Cách mạng sau hiệp định Giơ ne vơ năm 1954.

          Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Duy Nghĩa theo đường lối  của Đảng: đòi dân sinh, dân chủ và hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, như nội dung của hiệp định Giơ ne vơ bị đàn áp đẫm máu. Nhà văn Vũ Thành Lê đã viết : “ Những cánh tay, khúc chân người do chó đào tha từ những cồn cát về làng, hay những bao tải có xác người thình lình nổi lên ở các bến bãi, triền sông rất thường xuyên, là minh chứng của tội ác mà kẻ thù đã thủ tiêu đảng viên, cán bộ và cơ sở cách mạng của ta”. Cũng chính từ tội ác đó mà nhân dân Duy Nghĩa càng nung nấu lòng căm thù giặc, lòng kính trọng, khâm phục những đảng viên và cán bộ kháng chiến một lòng gắn bó với cách mạng. Phong trào đấu tranh tiếp tục được dấy lên mạnh mẽ, lớp cha trước, lớp con sau, mãnh đất Duy Nghĩa đã sản sinh ra hàng trăm người con ưu tú, dám xả thân vì độc lập tự do và thống nhất của tổ quốc. Những cái đầu được treo giá 1 triệu đồng tiền thưởng như chị Nguyễn Thị Như Mai ( Dưỡng ) ngày càng xuất hiện nhiều trong phong trào đấu tranh cách mạng.

          Cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của chị Như Mai với bao nhiêu khó khăn và nguy hiểm, ban ngày phải dầm mình trong trong nước mặn ở những đầm dừa trốn địch đi lùng, ban đêm tìm về xây dựng cơ sở cách mạng. khi được Huyện ủy bố trí cho vượt biển ra tập kết ở miền Bắc không thành, chị bị địch bắt bỏ tù. Những đòn tra tấn thừa chết, thiếu sống đối với chị không thể kể hết. Có lần, chúng tra tấn chị đến chết ngất rồi đưa vào nhà xác, gia đình và các cơ sở cách mạng của ta đưa chị về cứu chữa và giả làm đám tang để che mắt địch. Khi chúng phát hiện chưa chết thì chị phải giả bệnh “tâm thần” để ra hợp pháp. Năm 1963, Chị Mai được phục hồi đảng tịch và được cử làm bí thư chi bộ xã, Huyện ủy đưa anh Nguyễn Hữu Nghĩa trở về phụ trách vùng cát thay cho anh Lê Bản Trịnh đã bị địch giết hại và trực tiếp phụ trách xã Xuyên Phước, chị Mai phụ trách xã Xuyên Thọ (Xuyên Phước và Xuyên Thọ là 2 xã trước đây của Duy Nghĩa). Phong trào cách mạng của quần chúng sau một thời gian bị đàn áp dã man dần dần được khôi phục và phát triển. Khí thế bừng bừng và luôn nằm trong tư thế sẵn sàng xung trận. Đầu năm 1964, Huyện ủy chủ trương đẩy mạnh thực hiện diệt ác, phá kèm, giành dân, giải phóng nông thôn. Anh Nghĩa về huyện nhận chủ trương, chị Như Mai về tỉnh học kinh nghiệm đồng khởi ở Bến Tre, nhưng việc học tập kinh nghiệm đồng khởi ở Bến Tre phải hoãn lại nhiều lần vì bị địch phát hiện và tập trung đánh phá, xã bị đứt liên lạc với huyện. Đến gần cuối năm 1964 thì kế hoạch mới được tiến hành. Cũng trong thời điểm nầy, cơ sở quần chúng đã được phát triển khá rộng khắp, lực lượng du kích xã, thôn khá đông nhưng vũ khí trang bị gần như không có, toàn xã chỉ có 3 khẩu súng, huyện tăng cường thêm 5 đồng chí trong lực lượng vũ trang và 5 khẩu súng. Súng thì ít mà anh em du kích thì nhiều, ai cũng muốn mình được cầm súng. Trước tình thế đó, Ban Khởi nghĩa của xã nghĩ ra cách lấy bẹ dừa đẻo thành súng để phân phát cho anh em. Ban ngày, các cơ sở hợp pháp đến các đồn dân vệ lân la tìm hiểu và xem mẫu mã các loại súng của địch để đêm về đẻo cho giống; lấy đất sét nắn làm lựu đạn giả nhằm chuẩn bị “vũ khí” cho ngày khởi nghĩa. Ban Khởi nghĩa giao cho đội du kích mật đêm đêm vát súng bẹ dừa đi tuần quanh các lối xóm để khuyếch trương lực lượng, tạo khí thế cách mạng trong quần chúng và hù dọa địch. Khí thế cách mạng lên cao, địch càng co cụm. Ban ngày chúng đến trụ sở làm việc và đi lùng sục cơ sở cách mạng, ban đêm chúng lên thuyền sang Hội An để ngủ, còn bọn dân vệ thì không dám thấp thoáng ra ngoài. Lợi dụng tình hình này, Chị Mai đi từng địa bàn để nắm tình hình, vẽ bản đồ, anh Nghĩa khảo sát lại để vạch ra kế hoạch khởi nghĩa. Ban Chỉ huy đồng khởi được thành lập, anh Nghĩa được cử làm chủ tịch, anh Trần Thận, thường vụ tỉnh ủy, anh Năm thường vụ huyện ủy về trực tiếp chỉ đạo phong trào.

          Ngày 20 tháng 9 năm 1964 nhằm vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, được tin bọn tề xã tập trung để tiến hành phiên họp hội đồng, Ban Chỉ huy nhận định đây là thời cơ thuận lợi để tiến hành khởi nghĩa, lực lượng quần chúng đi chùa đông, lực lượng du kích của ta dễ trà trộn để thực hiện nhiệm vụ. Mọi công tác chuẩn bị được tiến hành một cách khẩn trương và chặt chẽ. Tối ngày 19 tháng 9, lực lượng toàn xã tập trung duyệt lại đội hình lần cuối. Phân chia lực lượng thành 4 tiểu đội, mỗi tiểu đội được trang bị 2 khẩu súng, 2 quả lựu đạn, còn lại là súng bẹ dừa và lựu đạn đất. Mỗi người được trang bị dây dù, chéo dù hoa, lương khô, bông, băng cá nhân. Các đơn vị được phân chia phụ trách từng khu vực, từng địa bàn trọng điểm cụ thể và được quán triệt kỹ mục đích, yêu cầu của cuộc khởi nghĩa. Các cơ sở cách mạng đã bí mật mua vải, may cờ Mặt trận. Ban chỉ huy đề nghị du kích xã Bình Dương đón lỏng địch nếu thấy chúng chạy vào mạn Bình Dương.

          Đúng như tin báo của cơ sở, Ngày 20 tháng 4 năm 1964, bọn hội đồng xã tiến hành tụ họp gần bến đò Nồi Rang để bàn mưu kế chống phá cách mạng. Sau khi kết thúc phiên họp, chúng tụ tập ăn nhậu tại nhà Ông Ngô Dưỡng. Thời cơ đã đến, Ban chỉ huy ra lệnh nổ súng. Những cơ sở được bố trí khu vực xung quanh ập vào nhà, lực lượng bố trí dưới các rặng dừa nước cũng xông ra, các hướng tấn công đều áp sát khu vực và đồng loạt nổi dậy. Bọn hội đồng xã trở tay không kịp, lực lượng khởi nghĩa đã trói gọn. Quần chúng kéo đến  hoan hô cách mạng ngày càng đông, những lá cờ Mặt trận giải phóng dấu kín được tung ra và treo lên cao tung bay phất phới. Du kích và bà con nhân dân dùng cả súng bẹ dừa để truy bắt ác ôn, dân vệ. Nhìn thấy khí thế cách mạng bừng bừng, bọn ác ôn hồn phách rã rời, trung đội dân vệ địch nằm im không dám nổ súng. Mâm tề hội đồng Xuyên Thọ, Xuyên Phước bị tóm gọn. Tiếng súng nổ, tiếng truy hô vây bắt, tiếng reo vui chiến thắng vang dậy cả mãnh đất Nồi Rang. Bọn dân vệ trốn chạy toán loạn, một số tên lọt vây, cố sống, cố chết chạy ra sông định lội qua Hội An nhưng đều bị lực lượng đón lỏng dùng thuyền bắt gọn. Nhân dân hăng hái tham gia cùng cán bộ, du kích truy lùng bọn ác ôn đang trốn chui, trốn nhủi nơi các bờ, các bụi... Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Duy Nghĩa với lòng căm thù giặc và vũ khí chủ lực súng bẹ dừa, lựu đạn đất hoàn toàn thắng lợi. Tối hôm đó, mitting toàn dân được tổ chức, tuyên bố thành lập chính quyền xã. Nhân dân nô nức chào mừng ngày giải phóng.

          Chính quyền cách mạng được thành lập và ra mắt trước đông đảo nhân dân, Đồng chí Trần Thận lúc bấy giờ là Trưởng ban Quân sự tỉnh cũng có mặt để chứng kiến sự kiện quan trọng nầy.

          Trãi qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, những trận đánh lớn, đánh nhỏ của lực lượng vũ trang và nhân dân ta trên địa bàn cả tỉnh, cả nước diễn ra nhiều vô số kể. Nhưng súng bẹ dừa, lựu đạn đất mà giành chiến thắng như ở vùng đất cát Duy Nghĩa thật là một huyền thoại - Có chăng chỉ diễn ra trên đất nước và trong con người Việt Nam anh hùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét