Trang

Bài viết Blog

  • Bài viết Blog

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

CHUYỆN VỀ NGƯỜI CHIẾN SĨ GIAO LIÊN

Kế thừa và phát huy truyền thống của gia đình, đồng chí Lê Cây (sinh năm 1939) đã sớm tìm đến với cách mạng khi mới tròn 13 tuổi. Đây cũng là thời điểm mà thực dân Pháp được sự hỗ trợ tích cực của đế quốc Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động đánh phá cách mạng trong cuộc chiến tranh xâm lược trên phạm vi cả nước nói chung, thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa – Quê hương của đồng chí Lê Cây nói riêng.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, gia đình đồng chí Lê Cây là một trong những gia đình cách mạng tiêu biểu ở Duy Nghĩa. Cha là một chiến sĩ du kích dũng cảm; mẹ là một cơ sở cách mạng và thường xuyên nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ về hoạt động tại xã. Tuổi thơ của đồng chí Lê Cây gắn liền với chuổi dài ô nhục của thân phận người dân mất nước. Do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên đồng chí phải đi giữ bò thuê cho một gia đình giàu có tại thôn Sơn Viên để kiếm cơm ăn. Nhờ sớm ý thức được nỗi nhục của thân phận làm thuê, làm nô lệ nên mọi công việc hằng ngày đồng chí luôn hết sức cẩn trọng. Điều này đã tạo cho đồng chí một đức tính cần cù, trầm tĩnh nhưng vô cùng kiên quyết. Đây cũng là những phẩm chất quan trọng và cần thiết của một cán bộ giao liên trong vùng địch chiếm đóng.
Vào năm 1952, đồng chí Nguyễn Đào – Huyện ủy viên về công tác và trụ bám tại thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa và đã phát hiện cậu thiếu niên Lê Cây với những tố chất cần thiết cho một người làm liên lạc mà đồng chí đang tìm. Thế là cậu bé Lê Cây đã đến với cách mạng trong vai trò của một đồng chí làm liên lạc nhưng núp dưới bóng của một cậu bé chăn bò. Trong 3 năm làm liên lạc cho đồng chí Nguyễn Đào và nhiều đồng chí cán bộ khác về công tác, cậu bé Lê Cây đã luôn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Qua mỗi nhiệm vụ được tổ chức giao và thực hiện thành công, đồng chí ngày càng tích lũy cho mình những kinh nghiệm hết sức quí báu trong việc tiếp cận, lấy thông tin và qua mặt bọn lính địch luôn theo dõi, kiểm soát. Không biết từ bao giờ, cái ước mơ cầm súng đánh địch của cậu bé Lê Cây ngày nào khi chứng kiến cảnh tàn sát của quân Pháp trên quê hương đã được thay thế bằng công việc làm giao liên, mang những thông tin quan trọng đến cung cấp với các đồng chí lãnh đạo để kịp thời ứng phó hoặc hoạch định sách lược tấn công địch.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi bằng Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ cùng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã gây nên cuộc chiến tranh một phía hết sức đẫm máu. Trên địa bàn xã Xuyên Thọ (Duy Nghĩa), nhiều vụ tra tấn, khủng bố và thủ tiêu cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng không sao kể hết. Hoạt động của các đồng chí cán bộ huyện về xây dựng lực lượng ngày càng khó khăn hơn bởi sự kiểm soát gắt gao của bộ máy chính quyền địch. Nhiệm vụ đưa đón và bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ về công tác là hết sức khó khăn và nặng nề đối với đồng chí Lê Cây. Nhiều đồng chí cán bộ về công tác tại xã đều được đồng chí trực tiếp đưa đón đến các địa bàn một cách an toàn trong suốt thời gian trụ bám hoạt động. Tháng 11/1955, đồng chí Lê Cây được tổ chức sắp xếp vào làm dân vệ để nắm thông tin về tình hình địch. Trong vai trò này, đồng chí đã rất khôn khéo dò tìm, thu thập những thông tin có giá trị để cung cấp cho các đồng chí Huyện ủy, các đoàn công tác về trụ bám để chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Xuyên Thọ. Ngoài thời gian tham gia tập trung trong lực lượng dân vệ để thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng chí Lê Cây còn tích cực tham gia vào việc đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu, thư từ cho cách mạng. Nhiệm vụ nào cũng được đồng chí thực hiện an toàn, bí mật, nên đã hạn chế rất nhiều tổn thất cho cách mạng. Khi đồng chí Nguyễn Xuân Hòa về xã Xuyên Thọ công tác thay cho đồng chí Nguyễn Đào ra Bắc tập kết, đồng chí Lê Cây đã đón đồng chí Nguyễn Xuân Hòa về nhà và đào hầm bí mật để nuôi đồng chí Hòa trụ bám hoạt động. Khi đồng chí Hòa hy sinh, đồng chí Lê Thạnh tiếp tục về công tác và sống tại căn hầm bí mật tại nhà đồng chí Lê Cây.
Những năm 1958, 1959, chính sách đàn áp, khủng bố, tố cộng của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được đẩy lên mạnh mẽ với tính chất quyết liệt, dã man hơn. Hoạt động của các đồng chí cán bộ, đảng viên cũng như phong trào đấu tranh của quần chúng ở Xuyên Thọ lúc này bị lắng xuống. Đồng chí Lê Cây đã bí mật lên Khu Tây của huyện để tìm gặp các đồng chí lãnh đạo của Huyện ủy báo cáo tình hình và xin chủ trương. Huyện ủy đã cử đồng chí Lê Bản Trịnh về đứng chân tại xã Xuyên Thọ để chỉ đạo phong trào của xã và cả Khu Đông của huyện. Tại Xuyên Thọ,  căn hầm bí mật tại nhà đồng chí Lê Cây lại trở thành nơi ăn ở, trụ bám, hoạt động của đồng chí Lê Bản Trịnh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trịnh và sự năng động, sáng tạo của đồng chí Lê Cây, phong trào của Xuyên Thọ đã từng bước khôi phục và phát triển. Cơ sở cách mạng được củng cố, xây dựng nhằm đảm bảo tốt cho yêu cầu cách mạng trên địa bàn của xã. Nhiều cơ sở đã tự xây hầm bí mật để đón các đồng chí cán bộ về trụ bám hoạt động trong xã và cả Khu Đông.
Bước vào những năm 1960, khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã được triển khai trong toàn huyện, Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân Xuyên Thọ vô cùng phấn khởi và tin tưởng vào sự thay đổi tình thế cách mạng. Truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu được tung ra và thu hút sự quan tâm bàn tán của đại đa số nhân dân. Để phát huy hơn nữa khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân, các đồng chí cán bộ Huyện ủy về trụ bám và Chi bộ Đảng xã Xuyên Thọ đã quyết định tổ chức rải truyền đơn trong phạm vi toàn xã. Địa điểm trọng tâm của lần rải truyền đơn này là các khu vực đông dân cư, khu vực địch kiểm soát, các đồn bốt và nhà ở của những tên trong bộ máy Hội đồng hương chính xã. Công việc này đòi hỏi phải có sự gan dạ, dũng cảm, bình tỉnh của người thực hiện vì rất nguy hiểm do phải đối mặt với lính đi tuần. Đồng chí Lê Cây đã tình nguyện xin nhận và hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ trước các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy và chi bộ Đảng xã.
Trong vai thành viên dân vệ, đồng chí Lê Cây đã mang truyền đơn rải khắp cơ quan Hội đồng xã. Tại nhà các tên Xã trưởng, Xã phó cũng như các thành viên trong bộ máy tề ngụy của xã đều được đồng chí Lê Cây “tặng” cho vài tờ truyền đơn của cách mạng. Việc rải truyền đơn thành công đã tạo nên tiếng vang mạnh mẽ làm bấn loạn tinh thần trong hàng ngũ địch, đồng thời làm nức lòng quần chúng nhân dân trên địa bàn Xuyên Thọ. Bọn tề ngụy từ Xã trưởng cho đến dân vệ canh gác vừa hoảng sợ, vừa điên tiết. Chúng quyết tâm tìm cho bằng được người đã rải truyền đơn ngay trong hàng ngũ của chúng. Địch bắt đầu tra tấn dã man hơn những người tình nghi. Một số cơ sở không chịu nổi các hình thức tra tấn nên khai cho đồng chí, thế là địch bắt đồng chí Lê Cây, Nguyễn Bội Dung là những người chúng tình nghi có liên quan đến vụ rải truyền đơn. Sau những trận đòn thừa sống thiếu chết, chúng đưa cả hai đồng chí vào miếu Mà Ca ở thôn Lệ Sơn để tiếp tục tra tấn. Suốt cả hai ngày đêm với đầy đủ các loại cực hình dã man như tàu bay, rút xà…vẫn không thể lay chuyển ý chí cách mạng sắt đá của các đồng chí. Để uy hiếp tinh thần đồng chí Lê Cây, địch tra tấn làm cho đồng chí Nguyễn Bội Dung chết tại chỗ nhưng chúng vẫn không có được một lời khai nào ngoài những lời chửi rủa của đồng chí Lê Cây.
Không thể tiếp tục tra tấn vì không thu được cái chúng cần, địch bắt đầu chuyển sang hình thức mua chuộc, dụ dỗ với đủ lời đường mật nhằm tìm kiếm cán bộ nằm vùng và các cơ sở của ta tại xã Xuyên Thọ. Những cơ sở của ta khi nhìn thấy những thủ đoạn tra tấn của địch đối với đồng chí Lê Cây, ban đầu ai cũng có cảm giác lo sợ đồng chí không chịu đựng nổi mà khai ra thì toàn bộ các cơ sở trên địa bàn bị đổ vỡ. Quan trọng hơn hết là niềm tin của nhân dân vào Đảng chắc sẽ mất đi, ai còn dám làm cơ sở cách mạng sau này. Nhưng qua đến ngày thứ 2 rồi đến ngày thứ 3, đồng chí Lê Cây vẫn còn đó với những đòn tra tấn của kẻ địch, các cơ sở ở Xuyên Thọ đều được bảo toàn. Ai nấy đều tỏ ra ngưỡng mộ, khâm phục và biết ơn đồng chí. Lợi dụng bọn địch tra tấn đã mệt mõi phải đi ngủ, đồng chí Lê Cây đã dùng răng cắn đứt dây trói rồi trốn thoát trong đêm khuya ngày thứ 3. Biết mình đi đến đâu sẽ liên lụy đến cơ sở ở đó nên đồng chí Lê Cây quyết định vượt địa bàn lên tìm cấp trên. Vừa đói, vừa mệt, vừa mất sức do phải chịu các đòn tra tấn dã man của kẻ thù nhưng đồng chí vẫn kiên quyết đi trong đêm. Khi đến được địa phận xã Xuyên Hiệp (Duy Sơn ngày nay) thì bọn lính đi tuần phát hiện. Thấy trên người đồng chí đầy thương tích, nhiều chỗ máu còn chảy ra do không được băng bó nên chúng bắt đồng chí và đưa về quận Duy Xuyên để tiếp tục tra tấn, khai thác.
Tại cơ quan quận Duy Xuyên, đồng chí Lê Cây tiếp tục chịu đựng những trận đòn và các hình thức tra tấn dã man nhất của bọn quan quân cấp quận với hơn 20 ngày. Hết đòn roi rồi mua chuộc, dụ dỗ, thậm chí chúng còn đe dọa sẽ thủ tiêu toàn bộ gia đình đồng chí nếu không khai báo cho chúng. Tất cả đều không khuất phục được ý chí, nghị lực của người cộng sản chân chính Lê Cây. Địch phải dùng đến hình thức cuối cùng như đã dùng với bao nhiêu đồng chí cách mạng là thủ tiêu. Chúng trói chặt đồng chí rồi bỏ vào bao tải không khác gì những đồng chí bị thảm sát trong vụ đập Vinh Trinh trước đây. Trước khi ném đồng chí xuống sông Bàn Thạch, chúng còn nói: Khai thì chúng sẽ tha, không khai thì chúng thả sông. Tuy vậy, chúng cũng không thể nhận được câu trả lời của đồng chí Lê Cây. Xác đồng chí Lê Cây đã hòa cùng dòng nước của sông Bàn Thạch từ năm 1960, khi cuộc kháng chiến trên địa bàn huyện ta, tỉnh ta và cả miền Nam mới bước vào giai đoạn phát triển đấu tranh vũ trang, chống trả tội ác man rợ của kẻ thù.
Đồng chí Lê Cây hy sinh anh dũng ở độ tuổi 21, cái độ tuổi tràn đầy nhiệt huyết và đẹp nhất của một đời người. Cho đến nay thì xác của đồng chí vẫn chưa tìm được! Những chiến công thầm lặng ở mặt trận hậu cứ của đồng chí Lê Cây là vô cùng to lớn và có tầm ảnh hưởng đến cả một phong trào, một giai đoạn cách mạng của địa phương. Có thể những thành tích ấy chưa nhiều, chưa tiêu biểu xuất sắc như một số đồng chí khác nhưng tinh thần cách mạng, ý chí kiên trung của người cộng sản trong đồng chí Lê Cây luôn có thừa ở bất kỳ thời điểm nào. Sự hy sinh của đồng chí được đánh đổi bằng niềm tin, bằng khí thế sôi sục cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Xuyên Thọ nói riêng, Đảng bộ Duy Xuyên nói chung. Những cơ sở cách mạng thời ấy đã noi gương đồng chí, quyết tâm hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ cách mạng giao cho, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đồng khởi giải phóng quê hương Xuyên Thọ vào ngày 20/9/1964. Một số đồng chí cán bộ cùng thời với đồng chí Lê Cây như chị Nguyễn Thị Như Mai, hoặc các đồng chí lãnh đạo của Huyện ủy như đồng chí Trần Thận đều ghi nhận công lao, thành tích và tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lịch sử Đảng bộ xã Duy Nghĩa, Đảng bộ huyện Duy Xuyên hôm nay sẽ ghi tên đồng chí Lê Cây bằng sự trân trọng, tự hào nhằm tôn vinh hình ảnh đồng chí với những đóng góp vào sự nghiệp cách mạng. Riêng với tôi, đồng chí Lê Cây mãi mãi xứng đáng là một người anh hùng, một tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực, tinh thần yêu nước và đức hy sinh để lớp hậu sinh chúng tôi học tập và noi gương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét